Visitor Tracking
CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ
Theo tổ chức Y tế thế giới, đẻ non là một cuộc chuyển dạ xảy từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng.
Sinh non là sinh trước 37 tuần tuổi thai. Sinh non là nguyên nhân mắc bệnh, tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Hậu quả lâu dài của trẻ sinh non là chậm phát triển thể chất và trí não, giảm khả năng học tập và làm việc sau này.
Hàng năm ở nước ta có khoảng hơn 100.000 trẻ sinh thiếu tháng và đang là gánh nặng về bệnh tật, tử vong ở trẻ em. Vì vậy dự phòng giảm nguy cơ sinh non thực sự cần thiết và cần được ưu tiên trong các chiến lược về chăm sóc sức khỏe con người.
Các biện pháp dự phòng và can thiệp
Dự phòng (Chăm sóc sức khỏe bà mẹ)
- Các biện pháp dự phòng không hoàn toàn phòng được sinh non nhưng có thể giảm một cách đáng kể số bà mẹ có nguy cơ sinh non. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và người sử dụng dịch vụ, cụ thể cần triển khai đồng bộ các hoạt động sau:
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước khi mang thai bao gồm sàng lọc, tư vấn các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh đẻ nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo đảm phụ nữ khi mang thai có sức khỏe tốt nhất.
- Phụ nữ được phát hiện có nguy cơ sinh non cần được tiếp cận chăm sóc và điều trị ở các cơ sở chuyên khoa giúp họ có thể phòng sinh non hiệu quả.
- Cần sinh con theo kế hoạch, bảo đảm theo khuyến cáo (không sinh con ở tuổi vị thành niên, khoảng cách giữa 2 lần sinh không quá dầy)
- Chăm sóc thai nghén: Tuân thủ hướng dẫn khám thai và đặc biệt lưu ý một số nội dung: dinh dưỡng; tránh các chất kích thích; giảm stress.
Can thiệp (Chăm sóc trẻ sơ sinh)
- Chăm sóc trẻ sinh non/ nhẹ cân bằng phương pháp kangagoo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 2175/QĐ-BYT ngày 25/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, da kề da, cho trẻ bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu
- Theo dõi sức khỏe của trẻ, giữ ấm cho trẻ tránh hạ thân nhiệt, khám và chăm sóc trẻ đẻ non/ nhẹ cân theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Đối với trẻ quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc, theo dõi, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế.
Tư vấn theo dõi tại nhà
- Không nên đi du lịch xa, bạn cần được nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ và tập thể dục nhẹ nhàng, điều độ để hồi phục sức khỏe sau sinh.
- Điều trị các nhiễm khuẩn nếu có.
- Ổn định các bệnh lý của mẹ như nhiễm độc thai nghén, đái đường, đặc biệt các thai nghén có nguy cơ cao.
- Hướng dẫn theo dõi trẻ tại nhà: theo dõi nhịp thở, thân nhiệt, màu da của trẻ (khuyến khích phương pháp chăm sóc da kề da); chăm sóc và giữ cuống rốn cho trẻ sạch sẽ; chế độ ăn ngủ của trẻ, tiêm chủng cho trẻ đầy đủ và theo lịch; bổ sung các vitamin cần thiết cho trẻ….
- Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sỹ thăm khám và đưa ra hướng xử trí kịp thời.